Sáng 17-6, lần đầu tiên ngành y tế TP.HCM phối hợp Hội Y học TP.HCM tổ chức hội nghị "Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM".
Đây là hội nghị quy mô, có sự tham gia của cả Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cùng lãnh đạo Bộ Y tế.
Và điều đặc biệt, chủ tịch UBND TP.HCM cũng là người nằm trong chủ tọa đoàn của phiên toàn thể với 8 báo cáo chuyên sâu nhiều lĩnh vực, nhằm sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
"TP.HCM rất tự hào với các thành tựu về y tế chuyên sâu"
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM là trung tâm lớn về nhiều mặt, riêng y tế thành phố không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của hơn 10 triệu dân TP.HCM, mà còn tiếp nhận và điều trị cho hàng triệu người dân trong cả nước và quốc tế.
Năm 2022, chỉ số lượt bệnh nội trú ngoại trú của thành phố là 35,3 triệu người, chiếm 22,8% tổng số bệnh nhân của cả nước.
TP.HCM có 22 bệnh viện là tuyến cuối tham gia hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh phía Nam, đồng thời là đầu mối quan trọng trong hợp tác giao lưu quốc tế về y tế.
Để đảm nhận vai trò là trung tâm sức khỏe khu vực phía Nam, lãnh đạo thành phố và ngành y tế đã và đang triển khai thực hiện các nội dung như: củng cố phát triển và nâng cao mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng bệnh lý nhóm bệnh không lây, triển khai trạm y tế theo nguyên lý học gia đình…
"TP.HCM rất tự hào với các thành tựu về y tế chuyên sâu, các cơ sở y tế có rất nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và có nhiều thành tựu", chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Ông Mãi cho biết thêm, nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ thành phố và nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng nhiệm vụ phát triển thành phố trong thời gian tới đã xác định ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống y tế TP.HCM tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, phát triển các lĩnh vực tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới hướng đến mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo thành phố và ngành y tế sẽ thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch, nhất là các bệnh viện chuyên sâu, TP sẽ có chính sách khuyến khích chủ đầu tư các bệnh viện, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài…
Làm sao để thu hút du lịch y tế?
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết qua tìm hiểu những bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực ASEAN làm thế nào để thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến khám, chữa bệnh là rất cần thiết khi xây dựng các nhóm giải pháp, để TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Ông Thượng đã nêu bài học khi tìm hiểu kinh nghiệm ba nước Thái Lan, Singapore, Malaysia. Đây là ba nước được bình chọn dẫn đầu về điểm thu hút số lượng lớn khách du lịch đến khám chữa bệnh.
Với những bài học kinh nghiệm của các nước và từ thực tiễn của hệ thống y tế thành phố, giám đốc Sở Y tế kỳ vọng với các nhóm giải pháp để nghị quyết số 31-NQ/TW sớm đi vào thực tiễn cuộc sống trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân đã được các chuyên gia đề xuất.
* 7 nhóm giải pháp phát triển y tế chuyên sâu:
- Hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao
- Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường
- Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở
- Đẩy mạnh kết hợp y tế hiện đại và y học cổ truyền, phát triển du lịch y tế
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo
- Phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân
- Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân
Phiên toàn thể, 8 phiên chuyên đề
Tại phiên toàn thể với chủ đề "TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN", Sở Y tế trình bày những nhóm giải pháp quan trọng.
Ngoài ra, tại các phiên chuyên đề, hơn 80 bài báo cáo khoa học tập trung vào các kỹ thuật chuyên sâu đã được các bệnh viện triển khai thành công trong thời gian qua, đồng thời xác định những khoảng trống cần được lấp đầy về việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu so với các nước có hệ thống y tế phát triển trong khu vực.